MẶT TRẬN BẮC TÂY NGUYÊN VÀ CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐAK PƠ: Ðóng góp quan trọng của hậu phương Bình Ðịnh (03/05/2021)

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vẫn còn tiếp diễn, bởi khi ấy lực lượng quân Pháp ở chiến trường Đông Dương vẫn còn rất nhiều. Đảng ta chủ trương cùng với đấu tranh ngoại giao, trên các chiến trường cả nước phải liên tục tiến công địch, đập tan ý chí kháng cự, níu kéo chiến tranh của chúng. Trong bối canh đó, Chiến thắng Đắk Pơ (24.6.1954) là một chiến thắng vang dội.

Ở mặt trận Bắc Tây Nguyên và đặc biệt là chiến thắng lịch sử Đak Pơ, vai trò hậu phương của tỉnh Bình Định hết sức quan trọng. Có thể nói chính sự đảm bảo của Bình Định về nguồn lực đã tạo nền tảng vững chắc để quân ta xông lên giành chiến thắng.

Đền Tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ.  Ảnh tư liệu

1. Từ năm 1946, nhân dân và các cơ quan huyện An Khê và tỉnh Gia Lai đã dời xuống Bình Khê và Vĩnh Thạnh. Đảng bộ hai xã Định Quang và Vĩnh Thạnh (năm 1948 đổi Bình Quang) đã tiếp nhận, thu xếp nơi ăn chốn ở, san sẻ lương thực thực phẩm giúp hàng ngàn đồng bào tản cư của An Khê và Gia Lai ổn định đời sống. Xã Vĩnh An là chỗ dựa cho phong trào du kích chiến tranh các xã: Gia Hội, An Quý, An Mỹ (An Khê). 

Đến những năm 1948-1950, các trạm tiếp tế của phòng Kinh tế tỉnh Gia Lai ở Vĩnh Thạnh tiếp tục mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cán bộ và chiến sĩ. Năm 1948, các HTX tiêu thụ tỉnh Gia Lai đã mua tiếp tế 90 tấn muối, 10.000 nông cụ và hàng trăm ngàn đồng tín phiếu các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của dân và cán bộ. Năm 1950, các trạm mua 50 tấn muối, 17.000 nông cụ, 17.500m vải, gần 60 tấn gạo, chuyển hàng chục tấn hom mì về trồng,…

Năm 1952, nhiều cơ quan của Ban Cán sự và Ủy ban tỉnh Gia - Kon cùng Trung đoàn 120 đều có cơ sở kinh tế - văn hóa - xã hội tại xã Bình Quang và huyện Vĩnh Thạnh. Năm 1953, khi  Đảng quyết định tạm giao huyện Vĩnh Thạnh cho tỉnh Gia - Kon điều hành, thì cơ quan lãnh đạo của tỉnh Gia - Kon và Chỉ huy sở của Trung đoàn 120 đều đóng ở vùng Tơ Lok (Vĩnh Hiệp). Tháng 4 năm 1954, các cơ quan trên mới chuyển lên đứng chân ở Sơ Lam, Hà Nừng (Kon Plong). Đến cuối năm 1953, các hội quần chúng của Việt Minh Vĩnh Thạnh đã thu hút hơn 2.500 hội viên, tức hơn 1/2 dân số toàn huyện (dân số huyện Vĩnh Thạnh năm 1953 là 5.000 người). Công tác kháng chiến được đẩy mạnh để chuẩn bị phục vụ cho các chiến dịch An Khê đầu năm 1953, Đông - Xuân 1953 - 1954 giải phóng Bắc Tây Nguyên.

Có thể nói từ rất sớm đất và người Vĩnh Thạnh đã có những đóng góp đáng kể về nhân tài - vật lực làm tròn nhiệm vụ một địa phương vừa là tiền tuyến của quân dân tỉnh Bình Định, vừa là hậu phương trực tiếp của huyện An Khê và tỉnh Gia - Kon.

2. Quán triệt phương hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Liên Khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên Khu họp đầu tháng 12.1953 và quyết định: Tập trung toàn bộ lực lượng tiến công mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Hạ Lào. Đến đầu tháng 1.1954 Tỉnh ủy Bình Định họp, quyết định: Huy động mọi nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị và ra sức chiến đấu bảo vệ vùng tự do, đồng thời tích cực phục vụ đắc lực cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên giành thắng lợi lớn.

Xe cơ giới của Binh đoàn cơ động số 100 (GM 100) Pháp bị tiêu diệt trong trận Đắk Pơ. Ảnh tư liệu

Các lực lượng vũ trang từ tỉnh xuống xã đều được tăng cường cả về quân số và vũ khí, lập các phương án tác chiến và diễn tập chiến đấu trên các địa hình của địa phương. Lực lượng bộ đội địa phương được tăng cường từ 4 đại đội độc lập của tỉnh (đầu năm 1953) tăng lên 15 đại đội/gần 1.900 cán bộ và chiến sĩ, chưa tính một đại đội độc lập của tỉnh bổ sung cho Tiểu đoàn 30 chủ lực Quân khu. Từ tháng 12.1953 đến đầu tháng 3.1954, quân và dân Bình Định đã đẩy lùi hàng chục trận đột kích, càn quét của địch ở vùng giáp ranh phía Tây tỉnh.

Tỉnh Bình Định dốc sức phục vụ chiến trường chính của Liên khu tại Kon Tum. Lực lượng dân công huy động lần này có cả nữ thanh niên tham gia đông đảo, chia làm 3 loại: chủ lực, bình thường và dự bị, được tổ chức chặt chẽ thành đội ngũ từ xã lên tỉnh, mỗi cấp đều có cấp ủy viên và cán bộ chính quyền trong Ban chỉ huy dân công cùng cấp. Công tác y tế cho dân công được chú trọng, tại mỗi trạm nghỉ của dân công trên hành lang Bắc - Nam đều có tổ y tế và thuốc chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe cho dân công. Mỗi huyện đồng bằng có ít nhất 1 đại đội TNXP phục vụ hỏa tuyến, tại thời điểm đó toàn tỉnh có hơn 1.000 đội viên TNXP.

3. Dồn sức cho chiến trường Tây Nguyên, liên tục trong 6 tháng đầu năm 1954, tỉnh ta đã huy động hơn 428 nghìn lượt dân công các loại, trong đó có 7 đợt với 130 nghìn lượt dân công hỏa tuyến. Các huyện có số dân công hỏa tuyến đông là: Hoài Nhơn (22.000 lượt), Phù Mỹ (20.000 lượt), Phù Cát (14.000 lượt),… Dân công Bình Định đã sát cánh cùng bộ đội hành quân đánh địch từ Kon Tum đến Cheo Reo, Ai Nu, Đak Pơ,… Sau khi phục vụ chiến trường 3 tháng liền, Đội dân công các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ đã lập tiếng vang khắp Mặt trận khi xung phong phục vụ 1 tháng nữa. Đóng góp này lập tức được Ban Dân công mặt trận biểu dương.

Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954 tỉnh Bình Định đã tổ chức một Tổng Đội thanh niên xung phong hỏa tuyến tập trung gồm nhiều đội, mỗi đội biên chế khoảng 60 người, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội, phục vụ chiến đấu như: đào công sự, tải đạn, chuyển thương, dẫn dắt tù hàng binh, thu dọn chiến trường, vận chuyển chiến lợi phẩm. Thời gian này, chị Nguyễn Thị Thành (ở huyện Phù Cát) lập thành tích xuất sắc phục vụ chiến dịch được bầu là Chiến sĩ thi đua dân công toàn Liên khu; xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) huy động tới 4 đợt dân công hỏa tuyến với gần 900 lượt người, được tỉnh tuyên dương về thành tích huy động và lãnh đạo dân công. 

 

Trận Đắk Pơ, diễn ra ngày 24.6.1954 - sau Chiến thắng Điện Biên Phủ hơn một tháng rưỡi, là một trận đánh lớn, tiêu biểu nhất trong giai đoạn 75 ngày diễn ra Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, được phía Pháp và phương Tây biết đến dưới cái tên “trận đánh cây số 15” hay “trận đèo Mang Yang”. Đây là trận phục kích lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, diễn ra vào từ sáng 24 đến trưa 25.6.1954 khi đội hình hành quân của GM 100 từ An Khê về Pleiku theo đường 19 đã bị Trung đoàn 96 Liên khu 5 và các lực lượng vũ trang địa phương, phục kích ở khu vực cầu Đắk Pơ, cách An Khê 15 km. Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt khoảng 500 tên, làm 600 tên bị thương, bắt sống 800 tên; số xe các loại bị bắn cháy, hư hỏng và còn nguyên lên tới 375 chiếc; thu 18 pháo 105 mm.


NGUYỄN THANH QUANG

(Nguồn: baobinhdinh.com.vn; Số ra Thứ Bảy, ngày 01/5/2021)


Tin đã đưa

ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH

Địa chỉ:  Tầng 9, toà nhà 2A Trần Phú, P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn, T.Bình Định. 
Điện thoại:  0256.3822181.  Fax:  0256.3822181
Mọi thư từ xin gửi về địa chỉ:  dukdnbd@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: đ/c Lê Văn Hồng - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Bình Định

Top