NHỮNG CHIẾN DỊCH LỚN TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975 (24/04/2024)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy oanh liệt mùa Xuân năm 1975 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi này đã khép lại một giai đoạn lịch sử chia cắt đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Việt Nam: Dân tộc được độc lập, Tổ quốc được thống nhất, hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với 3 chiến dịch lớn được tiến hành liên tục về thời gian, liên kết về không gian; quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến công và nổi dậy, đập tan tuyến phòng thủ chiến lược của địch ở Buôn Ma Thuột, giải phóng Huế - Đà Nẵng, quét sạch địch ven biển miền Trung, giải phóng các tỉnh còn lại ở Nam bộ.

Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở màn lịch sử: Chiến dịch mang mật danh “Chiến dịch 275” được Bộ Chính trị phê chuẩn và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chọn hướng chiến lược chủ yếu là lấy Buôn Ma Thuột làm khâu đột phá. Chiến dịch là một điển hình về sự chọn hướng và mục tiêu tiến công. Cách đánh vào Buôn Ma Thuột là cách đánh hiệp đồng quân binh chủng đánh thẳng vào thị xã, tiêu diệt ngay đầu não chỉ huy của địch. Đây là một cách đánh sáng tạo, bất ngờ, dứt điểm mau lẹ. Trận đánh then chốt thứ hai của Chiến dịch đã đập tan cuộc phản kích của địch, giành thắng lợi nhanh gọn và tiếp đó là trận thứ ba tiêu diệt quân địch rút chạy. Các binh đoàn chủ lực của ta thực hiện theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh tiền phương, nắm thời cơ địch đang tháo chạy, từ Tây Nguyên thừa thắng tiến công về các hướng xuống đồng bằng Trung bộ, truy kích, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn I ngụy và phần lớn Quân đoàn II, phá tan ý đồ co cụm của địch. Điều này cho thấy được sự nhạy bén về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và chiến dịch của Đảng ta, tạo ra bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đưa địch đến sai lầm về chiến lược, làm tan rã nhanh chóng quân ngụy.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng - bước nhảy vọt chiến lược, đập tan ổ đề kháng “tử thủ” của địch. Sau khi quân địch thất bại hoàn toàn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên - Huế, cần nhận rõ thời cơ nhanh chóng chuyển hướng tiến công. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch, quân và dân ta mở cuộc tiến công, phối hợp nhịp nhàng các quân binh chủng, kết hợp nổi dậy của quần chúng, đồng loạt tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch, chia cắt bao vây tiêu diệt địch, giải phóng Trị Thiên - Huế. Quân địch co cụm về phòng thủ ở Đà Nẵng và đang trong tình trạng hoang mang, tháo chạy hỗn loạn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Quảng Đà và mở trận tiến công quân địch ở Đà Nẵng. Với tư tưởng chỉ đạo “kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng”, quân ta đã mở đợt tiến công với các lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ, phối hợp, hiệp đồng quân binh chủng kết hợp quần chúng nổi dậy đã giải phóng thành phố Đà Nẵng trong thời gian ngắn. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng giành được thắng lợi lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cùng với chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng Huế - Đà Nẵng làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng giữa ta và địch, đánh bại âm mưu co cụm của địch, thúc đẩy thêm một bước làm tan rã quân ngụy. Thừa thắng tiến lên, các quân, binh đoàn chủ lực trên đường hành quân thần tốc từ Đà Nẵng vào Nam, đã phối hợp với các quân binh chủng thọc sâu và tiêu diệt các cụm chốt chặn của quân địch, đập tan ổ đề kháng “tử thủ” của quân ngụy tại Phan Rang, tiêu diệt toàn bộ Quân đoàn III ngụy, quét sạch quân địch ở ven biển miền Trung, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng áp đảo trong trận quyết chiến cuối cùng.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã đánh giá diễn biến tình hình ở chiến trường miền Nam và quyết định về thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện tổng công kích, khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cách đánh của Chiến dịch này đã được xác định: Dùng một bộ phận lực lượng chia cắt chiến lược, tiêu diệt, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc - Long Khánh, mở đường và làm tan rã tại chỗ quân phòng thủ ở vòng ngoài không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Đồng thời dùng phần lớn lực lượng, nhanh chóng thọc sâu chiếm lĩnh các địa bàn vùng ven then chốt, mở đường cho các binh đoàn cơ giới đánh thẳng vào nội thành, chiếm các mục tiêu đã lựa chọn, kết hợp với các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương, phối hợp với quần chúng nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, trong ngoài cùng đánh…

đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, tiếng súng của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ, và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Phủ tổng thống ngụy quyền, báo hiệu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện quyết định cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy giải phóng các tỉnh còn lại của miền Nam bằng lực lượng tại chỗ của mình. Có thể khẳng định trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này như một trận tổng hợp sức mạnh và tài thao lược của Đảng ta, một biểu hiện sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ quân dân ta, một sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Đó là chiến thắng lẫy lừng và mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn là đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đóng góp những kinh nghiệm quý báu vào kho tàng vốn đã cực kỳ phong phú của Đảng ta. Những trận đánh then chốt và chiến lược của quân dân ta trong 3 chiến dịch mùa Xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử như một huyền thoại, là niềm tự hào chung của nhân dân cả nước, các dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, từ một đất nước nghèo khó, trải qua chiến tranh với nhiều mất mát, đau thương cần hàn gắn; một nước từng bị bao vây, cấm vận, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu, đảm nhiệm các vai trò và trách nhiệm quốc tế quan trọng; vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Việt Nam đã khẳng định hình ảnh, vị thế một đất nước độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách…

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng vĩ đại của dân tộc; tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Ngọc Hiền - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ


Tin đã đưa

ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH

Địa chỉ:  Tầng 9, toà nhà 2A Trần Phú, P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn, T.Bình Định. 
Điện thoại:  0256.3822181.  Fax:  0256.3822181
Mọi thư từ xin gửi về địa chỉ:  dukdnbd@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: đ/c Lê Văn Hồng - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Bình Định

Top